Chào Ông Trước - Người Khiêm nhường

Nó thấy đứa em khóc thét sau đống rơm thì liền lao tới, ngỡ tưởng đứa em gặp rắn rết hay bị ngã xuống giếng, hóa ra nó nhìn thấy một hình ảnh rất kỳ lạ. Sau này nó tìm hiếu thì mới biết đó là ông Trước.

Làng nó có một cái chợ quen gọi là chợ Dằm, cũng vì lẽ ấy dân tứ xứ đổ về chỗ nó để giao thương. Người khôn có, người dại có, có cả những người không biết nói thế nào nhưng tạo ra cho nó những câu hỏi hết sức thú vị. Ông trước là một trong những số ấy.

Ông này có dáng người nhỏ như một con nhái bén, lưng hơi còng nên người không đứng thẳng được, đầu cứ lao về phía trước. Nó cũng chẳng có thời gian tìm hiểu có phải vì vậy mà người ta đặt tên cho ông ấy là ông Trước không, chỉ biết mang mang ông ấy quê ở Vinh Cốc gì đó qua làng nó và việc làm chính của ông là chuyên đi gánh nước.

Ngày ấy là những năm chín mươi của thế kỷ trước, khoa học kỹ thuật chưa phát triển lấy đâu ra nước sạch như bây giờ. Ngày ấy nhà ai cũng có một cái bể và người ta luôn tự hào là bể nhà mình lớn. Nó còn nhớ như in ngày nhà nó xây cái bể chìm, bố nó phải làm ba bàn cơm để thết đãi vì cái bể lớn. 

Ông Trước này là người thật thà nó đã nhìn thấy một lần ở nhà cu Thắng bên cạnh, ông ta cứ cần mẫn xỏ cái hai cái thùng nước vào cái đòn gánh và gánh những gánh nước từ sông Sắt về. không biết có phải vì vậy mà ông ta bị còng không nhưng lưng ông ta cúi xuống có vẻ khiêm nhường lắm, ai cho gì ăn nấy, ai bảo gì làm nấy, quả là một hình tượng sống đơn sơ như trong phúc âm.

Nó thấy một người lớn làm em nó sợ như thế thì tính xô vào tấn công người kia, ai ngờ khi đến gần thấy ông ấy cầm 1 cái gì đó, may mà nó chấn tĩnh và phát hiện ra đó là 1 cái bánh rán nhưng do khôn mặt của ông này nhìn chỉ thấy có đôi mắt nên em nó sợ. À, thì ra là thế, chút xíu nữa thì ông ta ăn một cú đạp xông phi. May mà nó chưa đạp kẻo lại phải hối hận mà xin lỗi.

Nó thấy vậy bèn đến ôm em nó và nói không có gì đâu, thế rồi nó kéo em nó bỏ đi. Sau này không hiểu vì sao hình ảnh một người đưa cái bánh rán cứ đọng mãi trong hình ảnh của nó. Khi có trí khôn rồi nó cứ hỏi: tại sao ngày ấy không cầm lấy cái bánh rán. Đôi mắt của ông trước ấy cứ vòi vọi bám theo nó mấy chục năm qua.

Bây giờ khi đã là một người chung tuổi không hiểu sao hình ảnh ấy, đôi mắt ấy không phai nhòa. Nhiều lúc nó ngồi suy nghĩ: Có lẽ hình ảnh ấy tượng trưng cho một cái gì đó. Nhiều lúc nó nghĩ có thể ông ta là người dở hơi nên nó không cầm lấy cái bánh ấy. Nhiều lúc trong cuộc sông có những người nghèo đến chơi nhà người giàu với một tình cảm thât mà người giàu không biết đón nhận, chỉ sợ người ta đến xin tiền mình. Nhiều lúc có nhiều người có những tình cảm trao tặng cho không nhưng nó không coi trọng tình cảm ấy.

Năm vừa rồi nó về và phát hiện ông trước ở một đám cưới. Bây giờ dáng ông ta đã còm hơn trước nhiều. Đầu tóc đã điểm bạc. Đến dự đám cưới như một người ăn xin. Nó nhìn thấy ông ta mà thấy thương cho những phận người sống đơn giản. Nó chậm chậm tiến tới, xắn tay áo vest lên và bắt tay ông Trước.
Chào ông Trước, ông vẫn còn khỏe lắm. Chúc ông sức khỏe dồi dào và không bao giờ phải lo lắng về bệnh tật. Nó thầm nghĩ: nó và ông ta rồi cũng sẽ già và sẽ qua đời, nhưng như kinh thánh dạy: Ai trở nên đơn sơ như trẻ nhỏ thì sẽ vào Thiên Đàng. Ông ơi, bao giờ ông về tới Thiên Đàng, xin nhớ đến tôi. 

Xin chào và xin gởi lời chúc trân trọng tới những người nhỏ bé, đơn sơ.

Nó vui và bước đi trong bình an.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét