Tiêu Hạ - Quê ta đó

Nắng vàng chiếu khắp mọi nơi, cánh đồng xanh mơn mởn và phớt trắng trắng hồng hồng của lúa cuối thời con gái và đã trổ đòng đòng. Mùi hương thơm của lúa nhè nhẹ, dịu dịu thoang thoảng trong gió thổi từ ngoài sông Sắt đổ vào. Tôi không thể nào quên được cảm giác yên bình ấm áp đó ở Quê Hương Tiêu Hạ.

Quê tôi nằm bên bờ con sông Sắt hiền hòa quan năm nhè nhẹ chảy như làn nước dịu dàng mát xa cho làng tôi sau những ngày mùa oi bức. Làng quê ấy nằm ở cuối huyện cuối tỉnh như một ngôi nhà nằm trong hẻm cụt yên tĩnh và an bình vô cùng.

Làng tôi bắt đầu bằng ngôi đình văn hóa với tấm bia ghi nhận văn hóa và tưởng nhớ công ơn của các vị thành hoàng đã có công khai phá đất này. Khởi đầu của làng tôi có 6 họ còn gọi là lục tộc gia tiên bao gồm các họ: Đỗ, Đào, Đinh, Vũ, Nguyễn và họ Châu. Qua bao đời phát triển làng quê tôi trở thành nơi giao thương số một của vùng chiêm chũng Hà Nam. Đất lành chim đậu và người tứ xứ như duyên, như nợ tìm tới định cư tại làng. Trước đây những người nơi khác tới nhập cư sau sáu họ trên thường đổi họ thành họ Trần để phân biệt là nhóm người nhập cư. Ngày nay họ Châu không còn ai sống ở làng nữa và họ trần trở thành họ thứ 6 thay chỗ họ Châu.

Đi sâu thêm một đoạn nữa bạn sẽ thấy tổ tiên, ông bà cha mẹ của những người đang sống hiện đã nằm xuống tại nội đồng khu A. Phần lớn những người nằm xuống ở đây có hướng nhìn về nhà thờ giáo xứ với ngọn tháp xừng xững ở phía nam khi nhìn từ nội đồng khu A. Phần lớn các vị gia tiên tại làng tôi thuộc tôn giáo Thiên Chúa. Xin cầu cho các ngài nghỉ an.

Đến ngã ba đầu tiên bạn sẽ nhìn thấy một cây thánh giá bằng đá giang tay quay về hướng đông, hai cánh ngang của cây thập tự xoải dọc hai hướng bắc nam theo thân làng như một sự bảo vệ che chở rất bình yên. Rẽ về hướng tay trái của cây thập tự bạn sẽ đi ra trung tâm kinh tế một thời của cả khu vực là chợ Dằm, xung quanh đó ngày trước đã từng có cửa hàng mậu dịch ý nghĩa như các plaza ngày nay, các nhà kho ý nghĩa như trung tâm dự trữ lương thực hàng đầu, ngoài ra cái bưu điện vẫn còn tồn tại và 1 cây cầu bằng sắt cổ cũ.

Rẽ theo hướng còn lại của cây thập tự là hướng đi vào nơi phần lớn người dân quê tôi sinh sống. Đây là phần chính của làng với nhà văn hóa cũng là trung tâm của hợp tác xã nông nghiệp. Ngôi nhà thờ vẫn là trung tâm văn hóa xưa nay, một sân đá bóng phía nam nơi người ta chơi thể thao và rèn luyện sức khỏe. Một bến đò Bà Tề là lối đi bằng đò từ làng tôi qua sông xuống các thôn Đào Duyên, chợ dần từ ngày xưa.

Làng tôi hiện tại chia thành 6 xóm với sáu tên rất ý nghĩa: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Trung, Trực. Chưa nghiên cứu nhưng tôi cũng đoán là các tên này có sau những năm 1945 và chắc phải cảm ơn bác Hồ về những cái tên ý nghĩa mà Người đặt. Trước đó thì thôn xóm quê tôi cũng có những cái tên như bao làng khác là xóm Đông, xóm đò, xóm Tây,...

Sở dĩ làng tôi tên là Tiêu Hạ vì ngày xưa cả khu vực chỗ tôi chủ yếu là vườn chuối tiêu, đến nay vẫn giữ được tên Tiêu Động tức là cái động trồng chuối tiêu. Hiện người ta vẫn biết đến cái tên Đồng Chuối Thượng để chỉ làng trên của làng tôi và tên Đồng Chuối Hạ để chỉ làng tôi. Đồng chuối Tiêu và là làng dưới nên gọi là Tiêu Hạ.

Làng tôi cũng có tên là Chợ Dằm vì có cái chợ mà nghe các cụ kể lại giai thoại Thuyền của Vua Minh Mạng khi đi vi hành đường thủy, khi đi đến vực Nến thì bị mắc cạn gẫy dầm nên chiêu mộ tuyển người đẽo dầm bơi. Mọi người mọi nơi đến đẽo đủ loại dầm tiến vua. Thiên Tử chọn được dầm xong thì những thợ dầm cũng lấy đây là nơi giao lưu mua bán dầm bơi với nhau và Vua đặt tên là Chợ Dầm, đồng thời đặt tên cho mấy nhóm thợ đến từ thôn trong đã có công lôi thuyền của vua khỏi chỗ mắc cạn là dân khỏe lôi, sau này họ lấy tên làng họ là làng Khả Lôi để nhớ đến kỷ niệm của Vua.

Đó là làng tôi với nhiều kỷ niệm thắm tình tuổi thơ của tôi và bao nhiêu người khác mà bạn sẽ bắt gặp đâu đó trong trang này. Cám ơn bạn đã quan tâm đến những câu chuyện về một miền đất rất có ý nghĩa trong tôi và những người khác. Với chúng tôi miền đất nhỏ này được gọi là quê hương và đã nói đến quê hương thì rất thiêng liêng như một nhà thơ đã viết:

Quê Hương nếu ai không hiểu
Sẽ không lớn nổi thành người.

Đỗ Văn Chính
www.DoVanChinh.com



1 nhận xét:

Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

lúc 23:33 25 tháng 8, 2013 comment-delete

Đăng nhận xét